Một số giải pháp thiết kế nhà hướng Tây

1. Bố trí không gian hợp lí

Những căn nhà hướng Tây nhận nguồn sáng chính từ bên trên hoặc phía sau. Chính vì vậy mà không gian thông tầng hoặc một giếng trời ở giữa nhà là giải pháp thường hay được áp dụng. Những không gian đằng sau mặt đứng chính không nên bố trí các chức năng chính như phòng ngủ, phòng khách… mà nên tận dụng để làm hành lang, cầu thang để có một lớp đệm cách nhiệt cho các không gian chính. Ngoài ra, không gian bố trí trong ngôi nhà nên tự do, hạn chế phòng vách để ánh sáng được xuyên suốt ngôi nhà.

Đồng thời, bạn nên dành một phần diện tích cho những không gian xanh bên ngoài nhà ở. Đây cũng là cách rất hữu hiệu để đảm bảo vi khí hậu cho nhà ở luôn cân bằng ở mức dễ chịu.

2. Lớp mặt đứng cách nhiệt

Do mặt đứng chính của ngôi nhà là mặt bất lợi về mặt khí hậu, phải nhận lượng nhiệt lớn từ mặt trời. Cho nên, các giải pháp mặt đứng cho nhà hướng Tây thường được thiết kế sao cho ánh nắng không trực tiếp chiếu vào nhà hoặc không nhận hoàn toàn ánh sáng. Thường thì ta sẽ thấy những hệ lam dày được sử dụng cho mặt đứng trong thiết kế ngôi nhà hướng Tây. Nếu được thiết kế tốt thì mặt đứng này sẽ biến điểm bất lợi thành nét đặc trưng, làm đẹp cho ngôi nhà của gia chủ.

3. Sử dụng vật liệu cách nhiệt

Một số vật liệu cách nhiệt được ưa chuộng trong xây dựng như xi măng hai lớp cách nhiệt, gỗ hai lớp cách nhiệt… Cấu tạo của tường hai lớp khá đơn giản. Bao gồm hai lớp tường trong và ngoài, mỗi lớp có độ dày chừng 110mm – 220mm, giữa chúng có một khoảng không dày cỡ 100mm. Khoảng không giúp không khí lưu thông, làm chậm quá trình truyền nhiệt. Từ đó giúp không gian bên trong trở lên mát mẻ hơn.

4. Đưa cây xanh vào không gian sống

Đưa cây xanh vào không gian kiến trúc là một giải pháp nhằm cải thiện vi khí hậu trong nhà, đồng thời, cây xanh còn tạo tâm lí gần gũi với thiên nhiên cho người ở. Ở những căn nhà hướng Tây, cây xanh thường được bố trí ở sau lớp mặt đứng cách nhiệt hoặc ngay tại vị trí thông tầng, giếng trời.